https://haiquanonline.com.vn/gia-tang-cong-nghe-trong-che-bien-cho-nong-san-xuat-khau-173981.html

posted in: Không phân loại | 0

Gia tăng công nghệ trong chế biến cho nông sản xuất khẩu

 07:52 | 11/05/2023

(HQ Online) – Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển.

Xây dựng thương hiệu nông sản trong hệ sinh thái chế biến để xuất khẩu
Số hóa trong truy xuất nguồn gốc: Bệ đỡ cho nông sản tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Chế biến, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.
Chế biến, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.

Chưa nhiều chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ

Thống kê cho thấy, các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong đó đặt định hướng xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao với, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng. Theo Bộ Công Thương, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX TM DV-Nông nghiệp Như Hoàng (Bình Phước) cho biết, HTX chuyên về sản xuất, XK hạt điều rang muối, sản phẩm của HTX đã đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2015, OCOP 4 sao của tỉnh Bình Phước. Trong những tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu chưa nhiều HTX chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô sang thị trường Trung Quốc.

Tại địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 12.000 cơ sở chế biến nông sản; tuy nhiên hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98% cơ sở sản xuất, sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến ít, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển chế biến, chưa hình thành rộng khắp sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu ổn định và hiệu quả thấp.

Hạn chế cũng được nhìn nhận là do ngành công nghiệp thực phẩm đòi hỏi đầu tư lớn về nghiên cứu khoa học công nghệ, kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ; lượng cơ sở chế biến áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm còn ít, chưa hoặc khó đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế. Hơn nữa các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, nhiều sơ sở thiếu vốn đầu tư sản xuất mở rộng…

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, tỉnh Hải Dương đã tập trung hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động, hỗ trợ lãi suất vốn vay, chi phí xây dựng… Áp dụng hệ số giá thuê đất thấp nhất trong khung quy định của UBND tỉnh khi tính toán tiền thuê đất cho các DN; hay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm còn nhiều hạn chế. Mặc dù kết quả xuất khẩu những năm gần đây rất rất cao, theo Quyết định 174/QĐ-TTg, đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD, kết quả năm 2022 đã vượt chỉ tiêu này nhưng trên thực tế cấu phần chế biến vẫn đạt rất thấp. Chính vì thế mục tiêu chính trong giai đoạn tới là đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường đầu tư dây truyền công nghệ cao để đưa ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tập trung vào các lĩnh vực sau thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, hạ tầng cơ sở, quản lý chất lượng nông sản sau chế biến…

Nông nghiệp cần công nghệ cao

Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho rằng, để ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có sự bứt phá cần có cơ chế chính sách khả thi hơn để các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Đồng thời có các doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư tại Hải Dương nhà máy chế biến hàng nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hoặc đầu tư sản xuất trực tiếp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để làm hạt nhân lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thanh Hòa cho biết, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có nhiều định hướng trong đầu tư chế biến nông, lâm, thủy sản thời gian qua. Mục tiêu chính là hoàn thiện toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. Chẳng hạn như lĩnh vực chế biến thủy sản, mặc dù có nhiều kết quả nổi bật nhưng cần cơ cấu lại để đáp ứng yêu cầu của thị trường và các FTA đặt ra để phát triển bền vững, bảo tồn được nguồn tài nguyên. Ngành công nghiệp chế biến gỗ có những cam kết rất cao trong việc đảm bảo tính hợp pháp, cũng như các yêu cầu của các thị trường cao cấp trong việc chứng nhận nguồn gốc gỗ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa lĩnh vực nông nghiệp. “Hiện nay nhiều lĩnh lực còn sử dụng rất nhiều sức lao động, điều đó làm cho giá thành nông sản cao hơn các quốc gia trên thế giới. Cơ giới hóa sẽ thúc đẩy các khâu sản xuất, giảm thiểu chi phí lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu”, ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh và cho biết mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

Nguon: https://haiquanonline.com.vn/gia-tang-cong-nghe-trong-che-bien-cho-nong-san-xuat-khau-173981.html