Thị trường thế giới: Thị trường hạt tiêu Ấn Độ biến động giảm trong tháng 2/2018. So với tháng 1/2018, giá hạt tiêu giao ngay Ấn Độ giảm 2.600 Rs/tạ xuống còn 38.800 Rs/tạ đối với tiêu xô và 40.800 Rs/tạ đối với tiêu chọn lọc. Giá hạt tiêu giảm do vụ thu hoạch tiêu đã đạt đỉnh tại các huyện Wayanad, Idukki thuộc vùng Kerala và Karnataka.
Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ giảm 475 USD/tấn xuống các mức tương ứng là 6.575 USD/tấn và 6.825 USD/tấn.
Nhập khẩu hồ tiêu vào Nhật hàng năm khoảng 8.000 – 9.000 tấn. Malaysia là nguồn cung cấp truyền thống tiêu hạt cho Nhật Bản và đứng sau là Indonesia và Ấn Độ. Trước đó Malaysia cũng là nguồn cung cấp chính tiêu bột nhưng vài năm gần đây Indonesia và Việt Nam đã thay thế đẩy Malaysia xuống vị trí thứ 3.
Trong năm 2017, nhập khẩu hồ tiêu của Nhật Bản giảm hơn 500 tấn từ 8.740 tấn trong 2016 xuống còn 8.194 tấn gồm 4.670 tấn tiêu hạt và 3.524 tấn tiêu bột. Nhập khẩu tiêu của Nhật Bản hầu hết là để tiêu thụ nội địa. Chỉ một lượng rất nhỏ là để tái xuất khẩu trong các gói bán lẻ.
Thị trường trong nước: Thị trường hồ tiêu trong nước biến động tăng nhẹ trong tháng 2/2018 với mức tăng 1.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đắc Lắk – Đắc Nông hiện là 64.000 đ/kg. Giá tiêu tại Gia Lai ở mức 63.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai là 62.000 đ/kg và Bà Rịa Vũng Tàu là 65.000 đ/kg. Giá tiêu trong nước hiện vẫn ở mức thấp do giá tiêu thế giới có xu hướng giảm do dư thừa nguồn cung.
Giá hạt tiêu trên thị trường trước đây luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên nên những năm gần đây, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, khiến diện tích cây hồ tiêu không ngừng tăng nhanh. Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông mỗi tỉnh mở rộng diện tích cây hồ tiêu tăng lên 6.000 ha, thế nhưng, hiện các tỉnh này đều vượt xa so với kế hoạch. Cụ thể, Đăk Lăk đã có diện tích cây hồ tiêu gần 28.000 ha (vượt hơn 12.500ha), Đăk Nông có gần 25.000 ha (vượt 14.000 ha), Gia Lai có 16.400 ha (vượt hơn 10.000 ha).
Việc phát triển “nóng” diện tích cây hồ tiêu không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu từ 180.000- 200.000 đồng/kg xuống còn dưới 70.000 đồng/kg đã khiến hàng chục ngàn hộ nông dân trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn.
HNN (mard.gov.vn)
Source: http://xttm.mard.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?NewsID=44478